Từ bao đời nay, Quýt Hoi là loài cây mọc tự nhiên trong rừng trên sườn núi cao, tại các bản xa hoang vắng, có tên tiếng Thái cổ là pén hoi, vùng Pù Luông gọi là nghia hoi. Pén-nghia có nghĩa là quýt, hoi là ốc. Gọi là quýt ốc vì nó có đặc điểm quả nhỏ, vỏ hơi sần sùi, có gai như vỏ ốc và khi nấu canh ốc (hoặc thịt chó), nhất thiết phải có lá quýt này làm gia vị thì canh ốc mới thơm ngon. Vì thế mới có những cái tên như: pén hoi-nghia hoi-quýt hoi-quýt ốc. Quýt hoi ăn chua hơn các loại quýt khác, nhưng có hương vị thơm đặc biệt, ăn vào thấy đậm lưỡi, mát họng, thông mũi, sảng khoái. Người vùng cao thường dùng vỏ quýt hoi làm trà uống để chữa bệnh ho hen. Tuy nhiên không phải vùng nào quýt hoi cũng phát triển được, mà chỉ có khu vực Pù Luông quýt ngon và nhiều hơn cả. Nổi tiếng nhất là quýt bản Nghia (xã Ban Công) và bản Eo Kén xã Thành Sơn. Thời kỳ triều vua Lê Trung hưng (thế kỷ XVI), ông Mường Khòng-Quận Công, Thái Úy Hà Thọ Lộc ra lệ: miễn tất cả các khoản đóng góp, cống nạp của bản Kén, chỉ yêu cầu mỗi năm mang nạp một gánh quýt để ông Mường dùng và làm quà biếu vua Lê chúa Trịnh. Sự kiện ấy sách chữ Thái còn ghi lại rõ ràng và trở thành thông lệ hàng mấy trăm năm.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, người dân ưu chuộng các sản phẩm mới, đẹp về mẫu mã, mùi vị “ngoại’ hơn, mà dần quên đi giá trị của sản phẩm bản địa, Do đó, có giai đoạn Quýt Hoi không được người dân nơi đây quan tâm sử dụng, không được chăm sóc, bảo tồn, bị chặt phá để thay bằng cây trồng khác nên giống Quýt Hoi bản địa bị thoái hóa, mai một, lãng quên.
Là một người con sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Bá Thước, từ nhỏ đã được các vị Già Làng, ông bà, cha mẹ kể cho nghe, cho ăn những món ăn làm từ lá, quả Quýt Hoi. Nghệ nhân Hà Nam Ninh, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa, được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (về loại hình tiếng nói, chữ viết tỉnh Thanh Hóa) vì đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc năm 2015 trên địa bàn huyện Bá Thước nói chung và dìn giữ, phát triển cây Quýt Hoi nói riêng. Khi tuổi đã cao, luôn trăn trở việc gìn giữ và phát huy nét văn hóa của dân tộc, ông có nguyện vọng giúp đồng bào tiếp tục gìn giữ, phát triển kinh tế từ những nét đặc sắc trong văn hóa, ẩm thực của quê hương mình. Do đó đã định hướng, truyền dạy cho anh Đào Ngọc Bình là con rể của cụ tiếp nối và phát triển sản phẩm này.
Để tiếp nối, gìn giữ và phát huy nét văn hóa ẩm thực của dân tộc Thái trên địa bàn huyện Bá Thước, Công ty TNHH PuLuong Cuisine được thành lập bắt nguồn từ tâm huyết muốn phát triển sản phẩm truyền thống, có lợi thế cạnh tranh của địa phương (Quýt Hoi, Vịt Cổ Lũng,…) có từ lâu đời nay. Đồng thời xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc sắc bản địa gắn với du lịch cộng đồng, từ đó nâng cao giá trị của sản phẩm, nâng cao thu nhập, giúp bà con dân tộc thoát nghèo, góp phần ổn định chính trị-xã hội trên địa bàn huyện, quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, con người Việt nói chung và con người xứ Thanh nói riêng với bè bạn Năm Châu.